Hình ảnh pháo hoa -21chemical

Bước phát triển của pháo hoa “Made in Vietnam”

Nhà máy Z121 có “lương duyên” sản xuất pháo hoa từ ngay sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Để mừng chiến thắng lịch sử này, đồng thời chào mừng kỷ niệm 30 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/1975) và khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà máy Z121 được giao kế hoạch sản xuất 1.000 quả pháo hoa. Trong lúc Nhà máy đang nghiên cứu tìm cách sản xuất thì được trên giao phục chế 1.000 quả pháo hoa do nước ngoài viện trợ nhưng đã quá hạn sử dụng, chất lượng rất kém đang được Quân khu Thủ đô cất giữ. Sau 2 tháng phục chế, Nhà máy đã bàn giao 1.000 quả pháo hoa đúng tiến độ phục vụ các sự kiện. Bước khởi đầu suôn sẻ đã giúp Nhà máy Z121 có những kinh nghiệm quý trong việc tổ chức sản xuất pháo hoa sau này.

Bước phát triển của pháo hoa “Made in Vietnam”
Dây chuyền sản xuất Pháo hoa – Thuốc nổ tại Nhà máy Z121

Những năm tiếp theo, với mong muốn tiếp tục nghiên cứu để có thể làm chủ công nghệ sản xuất pháo hoa, Nhà máy Z121 đã chủ động chế thử, sản xuất gần 20 mẫu pháo hoa, với hàng nghìn quả phục vụ một số sự kiện trong năm 1984, 1985. Đặc biệt, năm 1985, pháo hoa do Nhà máy Z121 lần đầu “xuất ngoại” sang nước bạn Lào và được bắn tại Viêng-Chăn, Xiêng-Khoảng, Luông-Phabăng, Xavanakhẹt, Pắc-Xế, Sầm-Nưa vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng ba dân tộc Việt Nam-Lào-Campuchia trước các thế lực ngoại bang.

Những thành công trên tạo động lực cho Nhà máy quyết tâm đưa pháo hoa trở thành một trong những mặt hàng kinh tế cần phát triển và tìm đến những công nghệ sản xuất mới có chất lượng ổn định, an toàn hơn. Năm 1997, sau chuyến tìm hiểu sản xuất pháo hoa ở Nhật Bản, Nhà máy đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng sản xuất và bắt tay vào chế thử các sản phẩm pháo hoa theo công nghệ của Nhật Bản. Chỉ gần một năm sau, Nhà máy đã xuất khẩu lô pháo hoa đầu tiên sang chính Nhật Bản. Sự kiện này đã mở ra hướng đi mới cho Nhà máy, đưa pháo hoa mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” vươn ra thị trường thế giới.

Cũng từ đây, cùng với ngành nghề sản xuất hỏa cụ, pháo hoa của Nhà máy Z121 được Nhà nước cấp phép sản xuất, phục vụ cho nhu cầu giải trí trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2009 đến nay, với sự phát triển của kinh tế – xã hội, nhu cầu bắn pháo hoa phục vụ người dân trong các địa phương trong nước không ngừng tăng cao, Nhà máy Z121 cũng đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất pháo hoa để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tham gia chuỗi cung ứng pháo hoa quốc tế. Nhà máy đã tổ chức sản xuất được 182.350 giàn pháo hoa tầm thấp, 1.641.560 quả pháo hoa tầm cao, 700.000 ống hỏa thuật sân khấu với tổng giá trị khoảng 700 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ. Trong đó, Nhà máy đã cung ứng cho thị trường nội địa 137.469 quả pháo hoa tầm cao, 262.186 giàn pháo hoa tầm thấp, 230 bộ điểm hỏa với tổng số 2.903 lần bắn; xuất khẩu được 1.552.560 quả pháo hoa tầm cao, 2.550 giàn pháo hoa tầm thấp và 6.135 hộp phụ kiện, trị giá 338,8 tỷ đồng. Pháo hoa của Nhà máy Z121 được đối tác nước ngoài đánh giá chất lượng tương đương pháo hoa của Nhật Bản.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng pháo hoa do Việt Nam sản xuất, năm 2014, Nhà máy Z121 được Bộ Quốc phòng cho phép đầu tư dây chuyền sản xuất pháo hoa mới. Dây chuyền được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và các nước tiên tiến trên thế giới; nhà xưởng được đầu tư trang, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Dây chuyền được nghiệm thu và đi vào hoạt động từ tháng 4/2016 với công suất hơn 300.000 quả pháo hoa tầm cao, 30.000 giàn pháo hoa tầm thấp và 10.000 giàn hỏa thuật các loại mỗi năm. Để khai thác dây chuyền có hiệu quả, Nhà máy Z121 đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực. Trong thời gian dây chuyền triển khai xây dựng, Nhà máy Z121 đã cử các cán bộ kỹ thuật về pháo hoa sang Nhật Bản, Pháp để học tập công nghệ mới, đồng thời đối tác cũng thường xuyên cử chuyên gia sang Nhà máy để trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ. Đối với công nhân trực tiếp sản xuất trên dây chuyền, yêu cầu bắt buộc là phải tham gia các khóa đào tạo, thi tay nghề đạt yêu cầu mới đưa vào làm việc tại dây chuyền. Một yếu tố cũng rất quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm là nguồn vật tư phục vụ sản xuất. Các vật tư cho sản xuất pháo hoa được Nhà máy Z121 chủ động mua từ các nguồn cung ứng tin cậy trong nước hoặc nhập khẩu một số nguyên liệu đặc biệt của Nhật Bản. Việc đảm bảo tốt các yếu tố phục vụ sản xuất đã tạo ra các sản phẩm pháo hoa đa dạng về mẫu mã và chất lượng tốt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu, kể cả khách hàng khó tính như Nhật Bản.

Bước phát triển của pháo hoa “Made in Vietnam”
Bắn pháo hoa chào mừng Quốc khánh 2.9 tại TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ nâng cao chất lượng pháo hoa lên một tầm cao mới, công nghệ bắn cũng được Nhà máy Z121 nghiên cứu phát triển. Theo thời gian, việc thưởng thức của người xem cũng đòi hỏi cao hơn, những màn trình diễn pháo hoa ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc sắc, mang tính nghệ thuật cao khi kết hợp với việc trình chiếu cùng hiệu ứng nhịp điệu của âm thanh, ánh sáng, laze… Bắt nhịp với sự phát triển chung của thế giới, công nghệ bắn trình diễn pháo hoa của Nhà máy Z121 cũng thường xuyên được cập nhật. Trước đây, công nghệ bắn pháo hoa hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, giống như cách bắn đạn cối, mồi châm ngòi cháy rồi thả quả pháo vào trong ống phóng, pháo hoa sẽ phóng lên không trung; hiện nay, mỗi quả pháo được lắp vào một ống phóng, bắn bằng mồi lửa điện điều khiển từ xa nên an toàn hơn. Năm 2001, Nhà máy Z121 đã xây dựng bộ thiết bị bắn bán tự động L100 và nâng cấp phát triển lên thành bộ L100T (năm 2017), L100S (năm 2019). Bên cạnh đó, năm 2003, Nhà máy đã phối hợp với Viện Vũ khí (thuộc Tổng cục CNQP) nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị bắn pháo hoa tự động LTE đáp ứng yêu cầu các cuộc bắn có quy mô lớn, phức tạp. Xu hướng chung của các nước trên thế giới không chỉ xem bắn pháo hoa theo cách thông thường mà đòi hỏi cao hơn là được thưởng thức nghệ thuật trình diễn pháo hoa đặc sắc, phong phú và hấp dẫn với hình thức bắn kết hợp nhiều chủng loại pháo hoa, như pháo hoa tầm cao, tầm thấp và pháo hỏa thuật; lập trình chương trình trên thiết bị bắn tự động, kết hợp sử dụng âm nhạc với hình ảnh trình chiếu laze, mapping 3D, lighting… tạo hiệu ứng màu sắc, âm thanh, hình ảnh đa chiều. Tiếp thu và học hỏi công nghệ trình diễn của các nước, Nhà máy Z121 chủ động nghiên cứu, áp dụng phương thức trình diễn pháo hoa nghệ thuật, sử dụng bộ điểm hỏa tự động, xây dựng thành kịch bản bắn pháo hoa phối hợp với âm thanh, ánh sáng để tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có tính nghệ thuật cao.

Để đảm bảo an toàn, trật tự xã hội trong quá trình bắn trình diễn tại các địa phương, Nhà máy Z121 cũng đảm nhiệm tổ chức huấn luyện kỹ thuật bắn pháo hoa cho bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố. Năm 2016, đơn vị đã tổ chức tập huấn kỹ thuật bắn pháo hoa toàn quân tại Quân khu 2 với sự tham giacủa 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, Nhà máy còn tổ chức tập huấn theo nhu cầu của các đơn vị; phối hợp với Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) vận chuyển pháo hoa đến các điểm bắn an toàn, đúng quy định, kịp tiến độ… đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng pháo hoa trong nước và xuất khẩu.

Bước phát triển của pháo hoa “Made in Vietnam”
Phơi sấy Pháo hoa

Pháo hoa là sản phẩm công ích phục vụ nhu cầu chung của toàn xã hội mà ngành CNQP, trực tiếp là Nhà máy Z121, cần duy trì và phát triển. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nên pháo hoa cần phải được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất, cất giữ, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ; gắn kết chặt chẽ giữa công nghệ sản xuất với công tác đảm an toàn cả về con người, phương tiện kỹ thuật và môi trường. Cần phải thường xuyên, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm cơ quan với đơn vị, kiên quyết không để xảy ra mất an toàn trong mọi hoạt động liên quan đến pháo hoa. Đặc biệt, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP, ngày15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau 10 năm triển khai thi hành đã bộc lộ một số bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng pháo hoa, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và đồng bộ với cơ chế chính sách hiện hành. Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang triển khai lộ trình tổng kết Nghị định số 36/2009/NĐ-CP và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới để thay thế. Trong quá trình này, Tổng cục CNQP và Nhà máy Z121 cần bám sát thực tiễn hoạt động sản xuất và đặc thù của pháo hoa đề đề xuất các quy định nhằm giải quyết một số bất cập, vướng mắc, như: quy định cụ thể hơn về chức năng quản lý nhà nước và phân cấp quản lý của các bộ, ngành đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo hoa; quy định cụ thể điều kiện đầu tư kinh doanh đối với pháo hoa; các thủ tục hành chính cấp phép vận chuyển, xuất nhập khẩu pháo hoa; định nghĩa đầy đủ và chính xác về chủng loại pháo; xem xét mở rộng các trường hợp được phép bắn pháo hoa tầm thấp, tầm cao, thời gian bắn, thời lượng bắn cho các địa phương; cho phép thêm một số tỉnh, thành phố lớn, các tổ chức doanh nghiệp lớn (tập đoàn, tổng công ty…) được bắn pháo hoa trong các ngày lễ, kỷ niệm; xem xét giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền cấp phép bắn pháo hoa tầm thấp trong các dịp lễ hội; đặc biệt, đề xuất bổ sung loại pháo hoa giải trí không gây tiếng nổ và có quy định cụ thể cho phép nhân dân được sử dụng trong các dịp lễ, tết của dân tộc.

Với nguồn lực về con người và trang, thiết bị hiện có, cùng với hành lang pháp lý thuận lợi, hy vọng trong thời gian tới, các sản phẩm pháo hoa của Nhà máy Z121 sẽ tiếp tục chinh phục người xem bằng các chương trình bắn pháo hoa giàu tính nghệ thuật, hiện đại và vươn xa hơn trong xuất khẩu, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của Nhà máy Z121.

Thiếu tá, ThS. CAO VĂN KHÁNH. Trưởng phòng Quản lý sản xuất-Tổng cục CNQP